Cha giảng 60

60. VẤN: Thưa Cha, trước đây ông Tám nói Ngọc Hoàng Thượng Đế ở cõi Trung Thiên thấp hơn cõi Niết Bàn, chúng con tưởng Ngọc Hoàng Thượng Đế là Địa Tiên tức là thấp hơn Phật, nhưng từ khi Cha xuất hiện trong phái Vô Vi, Cha đã cho ông Tám chứng nghiệm nhiều điều siêu diệu và giúp ông Tám mở trí rất nhiều. Riêng chúng con cũng được duyên phước hiểu thêm nhiều vấn đề cao siêu mới lạ mà chưa nghe kinh sách nào nói đến. Nhờ vậy chúng con mới biết về tới Phật phải tiến hóa trở về Cha. Tuy nhiên chúng con vẫn thắc mắc tại sao Cha lại ở cõi Trung Thiên thấp hơn cõi Phật?

ĐÁP: Này con, phần đông các Phật tử cũng như các con phái Vô Vi trước nay vẫn hình dung rằng Ngọc Hoàng là ông Vua ở các cõi Trời thấp hơn cõi Phật. Thật sự những vị Vua ở các cõi Trời thấp, mà các con thường hình dung, chỉ là những vị Thiên Đế, Thiên Vương hay Thiên Tôn v.v... do Cha phân thân ra để trông nom cai quản. Con phải biết, mọi việc trong càn khôn đều do Cha điều động sắp xếp, mọi tầng giới từ thấp đến cao Cha đều phải hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau để coi sóc sự tiến hóa những Tiểu Linh Quang của Cha ở các cõi đó chớ con! Và các hệ thống tổ chức điều hành công việc của Cha thật vô cùng vĩ đại, hết sức chằng chịt tinh vi không sao tả được, trí phàm các con không cách gì hình dung nổi đâu!

Cho nên, Cha đã nói Cha là bầu gánh kiêm soạn giả, kiêm đạo diễn, kiêm đào kép diễn viên là vậy!
Do đó, Cha có mặt khắp mọi cung, mọi cõi với đủ mọi vai trò từ thấp đến cao, từ vua đến quan đến sĩ tốt v.v... Còn việc các con hỏi tại sao Cha lại ngự ở cõi Trung Thiên thấp hơn cõi Phật, Cha sẽ cho con biết rằng, Cha ở cõi Trung Thiên nhưng nơi Cha ngự là trung tâm vũ trụ, là nơi cung cấp nguồn năng lực để chuyển động guồng máy vĩ đại của cả càn khôn.

Cha ở cõi thấp hơn Niết Bàn – nhưng thấy, biết và có mọi trạng thái của tất cả các cung các cõi, từ cực trược cho đến cực thanh! Vì vậy cõi Niết Bàn là một thành phần nằm trong cái bản thể vĩ đại của Thượng Đế, và cõi này được Ngài nuôi dưỡng bằng ý chí và thần lực của Ngài. Để các con dễ hình dung, con hãy nhìn lại cái bản thể của con, tức cái Tiểu Càn Khôn mà con đang ngự trị.

Có phải chăng, con tức Tiểu Linh Quang, tức chơn thần của Cha là Chủ Nhơn Ông nắm quyền cai quản cả Tiểu Thiên Địa?

Và phải chăng Chủ Nhơn Ông chơn thần đang ngự nơi trái tim bản thể là thuộc về cõi trung thiên của cái Tiểu Càn Khôn mà con đang trông coi? Linh hồn của bản thể con không nằm ở vị trí cao của bản thể nhưng lại điều hành hết mọi sinh hoạt toàn bộ máy móc cơ quan bản thể, con thấy chưa?

Cho nên, trước đây, hầu như các con thuộc phái Vô Vi đều cho rằng Cha ở cõi thấp hơn Phật nên không bằng Phật. Lúc Tám được ngộ Cha và Cha xuất hiện trong phái Vô Vi, có đứa hỏi Cha, ông Trời lớn hơn ông Phật hay nhỏ hơn ông Phật? Cha trả lời, ông Trời nhỏ hơn ông Phật, bằng ông Phật, mà lớn hơn ông Phật luôn!

Ông Trời vừa là ma quỷ, là cát đất, là kim thạch, là thảo mộc, cầm thú, là con người, là Thánh Tiên, là ông Phật, là Cha ông Phật nữa! Cho nên, về tới Phật rồi còn phải đi, phải tiến lên ngôi Thượng Đế. Thật ra Phật là gì? Phật là tính thanh, là tính sáng của càn khôn, nhưng Phật chưa là chính giác, Phật chỉ là Niết Bàn, là khối thanh, khối sáng của càn khôn, nhưng Phật không là càn khôn, Phật chưa là chơn lý. Phật chưa đạt được đầy đủ bản chất của chơn lý. Vì chơn lý phải có cả thanh lẫn trược, Phật thì đã lìa tính trược, Phật không còn muốn trược, không còn làm trược, không còn chịu đựng trạng thái ác trược nữa.

Vậy nghĩa là Phật chưa toàn năng, toàn giác, toàn mỹ, và chưa thật biết Bi, Trí, Dũng! Thật vậy, Phật đã lìa tính trược, không còn muốn trược, không còn làm trược, thì chưa thể xem là toàn năng, toàn giác, toàn thiện, toàn mỹ! Phật chưa đủ đại từ bi để chịu đựng cả trạng thái ác trược tối tăm, ngu muội, để chịu khổ, chịu cực làm cả ma quỷ, hầu hỗ trợ hữu hiệu cho sự tiến hóa không ngừng của càn khôn, như vậy là chưa đủ Bi Dũng, mà Bi Dũng còn thiếu thì trí Phật chưa thể mở đúng mức được!
Phật chỉ thích cái thanh, không thích cái trược, chỉ thích cái sáng mà chê cái tối, cũng là còn mê chấp chưa thật sự vô vi, chưa thật ở mọi trạng thái của hư không, nên chưa thể đạt hư không. Thế nên, Phật còn phải học thêm để được toàn năng, toàn giác và thật sự biết Bi Trí Dũng.

Do vậy, Phật Đại Bi, Đại Trí, Đại Dũng với chúng con nhưng còn thiếu Bi, Trí, Dũng trước chơn lý tức Thượng Đế hay Đấng Cực Bi, Cực Trí, Cực Dũng; vì Phật còn chưa làm được như Thượng Đế cho nên muốn mở trí tiến hóa cao hơn, Phật phải chiến thắng tư tưởng lìa trược để học yêu trược, muốn trược, muốn đi xuống trược để biết trược lại. Con sẽ hỏi rằng Phật đã học bài trược lúc còn ngu muội, đã biết nó rồi, đã từ chỗ trược mới tiến lên thanh, sao giờ đây còn phải học trở lại nó nữa? Tại sao?

Đây Cha giải thích: Con nên biết, trước đây Phật đã học bài trược, biết cái trược bằng cái trí ngu muội tối tăm. Sau đó, Phật phải từ bỏ nó, lìa nó để tiến lên được cái thanh, cái sáng. Sáng rồi, thanh rồi cũng chưa phải đến nơi, chưa là chơn lý, vì chơn lý phải có sáng, có tối, có thanh, có trược cùng một lúc. Cho nên, nếu Phật muốn tiến hóa lên nữa để về tới chơn lý, đạt đầy đủ bản chất của chơn lý, Phật phải trở xuống trược để tiến hóa nữa, nhưng lần này, đã có trình độ sáng, Phật sẽ trở xuống trược bằng ý chí sáng suốt, nhìn cái trược, thấy cái trược với minh triết, đi vào trược mà chủ động, nếm trược, chịu trược, không phải vì ngu muội vô minh mà vì Bi Trí Dũng.

Do vậy, nên càng xuống trược thì càng thanh hơn, càng dấn thân vào chỗ tối, chỗ nặng, thì càng được sáng nhẹ, và Bi Trí Dũng càng lúc càng phát triển cho đến vô cùng tận. Đến bao giờ Phật thực hiện được thanh trược cùng một lúc, điển quang rung động hòa làm một vào mọi trạng thái từ trược tới thanh, từ tối tăm đến sáng suốt, ấy là đã về tới chơn lý, đạt được mọi bản chất của chơn lý, hợp nhất với khối Đại Linh Quang của vũ trụ, được ở ngôi vị Thượng Đế, chừng ấy, Phật mới thật sự được hòa vào hư không vậy!

Cho nên, khi một linh hồn từ cõi nặng trược về đến cõi thanh tịnh sáng suốt, nếu nó ham thích cảnh Niết Bàn, bám víu hưởng thụ cảnh thanh tịnh an lạc, mà dừng nghỉ ở đó không chịu tiến nữa, ấy cũng là mê, là cái nghiệp Tham Si của Phật! Mê thích cái thanh tịnh sáng suốt an lạc mà ngồi lại đó mãi, không lo tiến hóa, gây trở ngại sự tiến bộ của nó, sái quy luật tiến hóa của càn khôn, ấy cũng là sái quấy, là tội lỗi của cấp Phật vậy! Nên nhớ rằng, chơn lý không thể dừng nghỉ, nó phải luôn luôn di động nó mới được đời đời bất biến. Muốn ở trạng thái thực sự nghỉ ngơi, thực sự an hưởng, con phải làm việc không ngừng, đấy là chơn lý.

Cho nên, về đến Niết Bàn chỉ hưởng được thanh tịnh, an lạc, chớ chưa hưởng được trạng thái cực thanh, cực tịnh, cực an lạc để được nếm hạnh phúc tuyệt diệu kỳ ảo vô tận vô biên! Hãy biết rằng khi cực động mới hưởng được cực tịnh, khi ở mọi trạng thái cùng một lúc, vừa trược vừa thanh, vừa địa ngục trần gian, Niết Bàn v.v... mới thưởng thức được trọn vẹn mọi cái đẹp, mọi lạc thú mênh mông vô cùng tận!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét