49. VẤN: Kính thưa Cha, khi sáng tạo con người thành hai hình hài người nam và người nữ, rõ ràng là Thượng Đế đã có chủ tâm cho họ có sự phối hợp với nhau. Sự kiện đó đã được ghi nhận qua cách cấu tạo thật tế nhị và tinh vi của hai cơ thể nam nữ, để hai cơ thể này có thể phối hợp với nhau hầu sanh đẻ nòi giống nhân loại.
Điều đó cho thấy rằng dục của con người là thuận theo quy luật của thiên nhiên. Giờ đây, nếu bảo con người tuyệt dục vì đạo đức tu hành, như vậy, có phải là nghịch lại luật thiên nhiên và sái luật tiến hóa không? Cha nói rằng, nếu nghịch lại luật thiên nhiên tức là sái luật tiến hóa thì đấy là sự hủy diệt! Vậy xin Cha giải thích.
ĐÁP: Luật thiên nhiên chính là luật tiến hóa. Nghịch lại luật thiên nhiên tức là sái luật tiến hóa và đấy sẽ là thảm họa hủy diệt. Điều này con nói rất đúng! Khi sáng tạo con người, Thượng Đế đã chủ ý rõ rệt cho sự phối hợp qua cách cấu tạo cơ thể của nam và nữ. Như vậy, rõ ràng là Thượng Đế chủ trương cho họ dục để nối dòng. Đấy là định luật tiến hóa, điều này con nói cũng đúng!
Vậy tại sao lại khuyên con người phải diệt dục để tu hành hầu được tiến hóa đi lên? Sự kiện này có vẻ mâu thuẫn, và chỗ mâu thuẫn khó hiểu này các nguồn minh triết tôn giáo, các học thuyết, hằng vạn triệu pho sách triết lý từ bao thế kỷ đã bàn bạc đủ cách đến vấn đề hết sức quan trọng cho đời sống con người này. Có học thuyết thì cổ võ đề cao, khuyến khích hưởng dục, xem dục là bản chất đẹp của con người. Có triết lý thì đả phá, ghê tởm dục như ma quỷ, coi dục như một tội lỗi xấu xa chống lại Thượng Đế.
Có học thuyết thì xem dục là thú tính phải chế ngự nó để có một đời sống tiết độ đạo đức. Có triết lý thì chủ trương diệt dục để thoát vòng trầm luân tứ khổ v.v... Tóm lại, nhân loại đã tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực mổ xẻ vấn đề này để khai thông những bế t ắc cho con người nhưng hầu như chưa làm con người thật sự thỏa mãn! Vậy dục là gì? Cha cho con rõ, thật sự dục là bản chất của Thượng Đế, dục là chơn lý đó con! Dục là một nguyên lý vĩnh cửu, bất khả diệt và không thể không có được!
Dục là nguyên nhân sự hình thành của càn khôn vũ trụ, là định luật bảo vệ sự tồn tại vĩnh cửu của chơn lý bất biến, do nguyên tắc hóa hóa sanh sanh đời đời của vạn vật. Nếu Thượng Đế ngưng dục trong một sao đồng hồ, thì càn khôn này phải tan rã ngay tức khắc! Cho nên, Thượng Đế phải dục không ngừng, không nghỉ và dục vô cùng tận! Trong càn khôn này có ai dục bằng Thượng Đế? Thượng Đế dục ngay cả trong mỗi vi trần, trong từng vi thể, dục trong từng tế bào nguyên tử. Có nguyên tử nào mà không có sự phối hợp của lực Âm Dương?
Cho nên, dục phải là chơn lý trong định luật tiến hóa luôn đó con! Thế thì tại sao lại khuyên diệt dục, khuyên từ bỏ sự phối hợp tự nhiên giữa nam và nữ? Cha sẽ cho con hiểu thêm một chút, điều mà các nguồn triết lý, học thuyết chưa giải thích rõ hơn! Các con biết, sự thực vấn đề ở đây không phải là diệt bản chất dục, mà là phát triển thêm dục tính, học biết dục hơn, học bài dục cao hơn để tiến hóa lên cao hơn. Con phải học dục luôn luôn, để càng lúc càng phát triển nó, cho đến khi con biết dục vô cùng tận để làm Đấng Toàn Giác Toàn Năng.
Cuộc hành trình cho con xuống thế, cho đến ngày trở về là để đi học dục, từ dục trược đến dục thanh, từ dục nặng đến dục nhẹ, từ trình độ thấp đến trình độ cao, đủ mọi đẳng cấp, cho đến khi con thật sự biết dục! Con sẽ học cái dục của loài kim thạch, rồi cái dục của loài thảo mộc, rồi cái dục của loài thú, dục của loài người, đến cái dục của Thánh, Tiên, Phật, v.v... cho đến khi hiểu dục ở mọi khía cạnh của nó! Cho nên, con phải biết rằng, cái dục giữa con người với con người là quy luật thiên nhiên, nhưng việc từ bỏ kiểu dục này cũng là theo quy luật thiên nhiên, là thuận theo dòng tiến hóa của vũ trụ và con người đó thôi!
Thật vậy, con người đã học dục giữa nam và nữ, giờ đây, muốn tiến hóa hơn, muốn hiểu biết hơn, muốn lên lớp cao hơn thì phải học dục kiểu cao hơn. Kiểu dục cao hơn này là gì? Đấy là công phu luyện đạo, là hành pháp môn thiền định đó con! À, điều này có vẻ bất ngờ với chúng con và có thể gây chấn động trong giới tu hành, khi Cha nói Thiền Định là một kiểu dục. Nhưng Cha phải nói sao hơn khi đấy là một hiện thực không thể chối cãi được? Dục là gì? Là sự phối hợp giữa âm và dương để đạt đến trạng thái hòa điệu. Vậy phải chăng khi hành thiền định là con tạo điều kiện phối hợp âm dương trong bản thể? Và rồi công phu luyện đạo là gì?
Là con vận chuyển đem tinh đi lên, luyện ngươn tinh hóa ra ngươn khí hiệp với ngươn thần, Tinh Khí Thần hội tụ tạo thành Xá Lợi tức Thánh Thai. Động tác đem tinh đi lên để tạo Thánh Thai phải gọi là gì nếu không gọi là dục? Đem tinh trở xuống để tạo phàm thai ấy là dục trần, đem tinh trở lên để kết Thánh Thai, ấy là dục của Tiên Phật vậy.
À, rồi con bảo rằng từ bỏ cái dục giữa nam và nữ là nghịch luật thiên nhiên, sái luật tiến hóa? Tại con chưa biết quy luật đó thôi! Cha cho con rõ, chính hiện tại con người đang sống sái thiên nhiên, dục mà không đúng với quy luật, không theo định luật tiến hóa nên bị băng hoại và thoái bộ tinh thần như thế kỷ hôm nay đã chứng kiến. Vậy thế nào là dục theo quy luật? Dục theo quy luật, tức là kim thạch dục theo kim thạch, thảo mộc dục theo thảo mộc, loài thú có dục của loài thú, loài người có cái dục của loài người, v.v... Mỗi loài đều có kiểu dục của nó theo quy luật. Những kiểu dục ấy như thế nào?
Điều này rất phức tạp tế nhị Cha không thể tỉ mỉ nói hết ở đây được, Cha chỉ đề cập vấn đề một cách khái quát sơ lược để các con tạm có chút quan niệm. Muốn khỏi dài dòng, Cha chỉ nói từ cái dục của loài thú tiến hóa gần bằng loài người trở lên. Ở loài thú: Tình cảm và sự hiểu biết còn phát triển thô sơ. Dục loài thú chỉ là sự hấp dẫn giữa con đực và con cái.
Chúng không có tình yêu, không có sự suy xét, phân định, không có tình nghĩa như ở loài người. Con nào biết yêu thương, có tình nghĩa, chẳng hạn khi con mái chết, con đực buồn rầu bỏ ăn để chết theo, đấy là những con thú có trình độ hiểu biết, sắp tiến hóa lên người. Tóm lại, loài thú dục theo nhu cầu đòi hỏi của bản năng sinh lý cái đực, để sinh sôi nẩy nở theo chu kỳ ấn định của thiên nhiên. Ở loài người: Tình cảm và sự hiểu biết phát triển sâu xa hơn. Dục loài người vì vậy mà phong phú và tế nhị hơn nhiều!
Ngoài sự hấp dẫn tính dục giữa hai phái tính, con người còn có suy nghĩ, có óc phán đoán, có tình yêu, có đạo nghĩa. Cho nên, dục ở loài người không phải chỉ là sự phối hợp giữa hai xác thể nam nữ theo bản năng sinh lý, mà gồm cả phần tâm lý nữa! Đấy là dục theo nhân đạo. Như vậy, dục đúng mức nhân đạo gồm cả yếu tố xác thể lẫn tinh thần, có tình yêu thương, có sự hiểu biết, có lòng kính trọng lẫn nhau.
Do đó, có sự tiết độ h ơn loài thú, nên gọi rằng “phu phụ tương kính như tân” có nghĩa là giữa vợ chồng phải lấy lễ mà đối, lấy tình mà đãi, lấy đạo nghĩa mà cư xử. Cái dục của con người tế nhị như vậy đó! Nhưng cũng vì thế mà con người được nếm nhiều hơn, hưởng nhiều hơn loài thú! Ngoài sự rung động giữa hai xác thể còn có sự rung động giữa hai tâm hồn biết yêu thương kính trọng nhau, do đó mà đẹp đẽ và thi vị hơn thú vật.
Ấy là dục theo đúng mức nhân tính. Nếu con người nào dục chỉ vì nhu cầu bản năng sinh lý, dục vô độ, vô trật tự, chỉ theo sự đòi hỏi của thể xác mà không có tình yêu và lòng kính trọng, ấy là đang dục theo kiểu của loài thú. Dục theo thú tánh là vật dục, không phải nhân dục. Khi con người nào dục theo kiểu này tức phải thoái bộ lại trình độ tiến hóa của loài thú. Vì lúc đó dục chỉ còn là sự phối hợp để thỏa mãn giữa hai hình hài xác thể, không khác gì hai con thú trống và mái mà thôi! Đa số nhân loại trên thế giới ngày nay, đang trên đà thoái hóa về dục tính, dục trái với thiên nhiên, trái với luật tiến hóa. Điều này phải dẫn đến bao thảm kịch nước mắt, tội ác do sự loạn dâm gây nên!
Khi vật dục được cổ võ, thú tính được khuyến khích và khi con người tiêm nhiễm những tư tưởng đó, nó đâm ra khinh bỉ nhân phẩm làm người, bất cần những giá trị tinh thần, vứt bỏ trí suy tư, óc phán đoán hơn thiệt là những cái phân biệt nó với loài thú. Nó chỉ biết nó muốn gì và phải làm sao thỏa mãn cái muốn của nó, dù sự thỏa mãn ấy có gieo đau khổ cho cá nhân khác hay cho tập thể loài người.
Nó tin rằng, khi không sống theo ý nó thích, không thỏa mãn điều nó muốn, chỉ vì hy sinh cho người này kẻ kia, cho gia đình, cho xã hội, hay vì sợ quan niệm đạo đức của loài người kết án, đấy là nó đã không sống cho nó, không sống với bản chất thật của nó, nó tin rằng vậy là nó đánh mất chính nó! Nhưng nó không nghĩ rằng nếu trong xã hội, ai cũng tưởng nghĩ và hành động như nó, tức là không ai thèm nương ai, không ai biết sợ làm kẻ khác đau khổ, chỉ theo ý mình, lo thỏa mãn điều mình muốn bất chấp chung quanh, bất chấp việc đụng chạm quyền sống của kẻ khác, thì xã hội phải rối loạn lên, người này sẽ xô xát với kẻ kia để được thỏa mãn ý thích vị kỷ.
Con người trong một xã hội xô bồ như vậy, sẽ hỗn loạn, điêu đứng, trầm luân, đau khổ, để cuối cùng, sau những tranh giành, cấu xé, lấn áp nhau, chà đạp lẫn nhau như ở xã hội loài thú để được hưởng thụ, con người sẽ chỉ còn cảm nhận sự bi quan, sự bơ vơ, lạc lõng, chán chường, băng hoại, chẳng biết tìm đâu ra nơi nương tựa cho tâm hồn. Nãy giờ, nhân bàn đến dục tính, Cha nói qua về sự thoái bộ tinh thần của con người, vì Cha thấy hiện tại những luồng tư tưởng cổ võ cho thú tính trong con người và tin rằng thú tính ấy là tất cả bản chất thật của nó, đang được luân lưu khá thịnh hành trong những xã hội văn minh vật chất.
Thật sự, con người nghĩ điều này cũng không có gì đáng trách, chỉ vì vô minh nên nó chưa biết nó là ai, nó vĩ đại đến chừng nào, bản chất thật của nó phong phú ra sao, gồm những phần gì? Nhưng rồi có một lúc nào, trên dòng tuôn thao đăng đẳng, định luật tiến hóa sẽ ảnh hưởng giúp nó hiểu điều đó dần dần mà thôi! Bây giờ Cha trở lại chu trình tiến hóa của tính dục. Cha đã nói đến vật dục rồi tiến sang nhân dục, biết nhân dục con người không thể cứ ở lại mãi chỗ này! Vì phận sự, vì nhu cầu hiểu biết của nó, nó phải tiếp tục lo tiến bước luôn luôn để tuân theo định luật tiến hóa.
Nó đã học dục theo Nhân Đạo bây giờ muốn tiến hóa nữa, nó phải dục theo Thiên Đạo. Nếu cái dục theo Nhân Đạo khiến nó phải đi tìm sự phối hợp với phần âm hay dương ở ngoài nó, thì cái cái dục theo thiên đạo dạy nó học tìm sự phối hợp của âm dương ngay trong bản thể nó. Giai đoạn này, nó không dục bên ngoài, không phóng tâm tìm đối tượng bên ngoài nữa. Đây là lúc nó phải quay vào trong, tìm đối tượng để dục bên trong.
Con người vì vô minh nên cứ đi loanh quanh tìm kiếm đối tượng đâu đâu bên ngoài nó, quay cuồng điêu đứng, để đạt cho được đối tượng mà nó vừa ý. Nếu không đạt được hoặc đạt được rồi lại khám phá ra đối tượng không đúng như mơ ước – vì chắc chắn không bao giờ có thể đúng như mơ ước – nó lại trầm luân trong thất vọng, đau khổ, đắng cay, buồn cho số kiếp. Chìm đắm trong buồn, thương, khóc, hận, và bằng bao nhiêu lao tâm khổ trí ấy, con người đã chạy theo một đối tượng giả hiệu, đối tượng này không bao giờ như nó ước mong, không bao giờ thật sự hòa điệu cùng nó, để cho nó niềm hạnh phúc an lạc lâng lâng tuyệt vời!
Đối tượng mà nó mong ước, thật lý tưởng và có thể hài hòa thật sự, đáp ứng tối đa nỗi khát khao lạc thú hạnh phúc vợ chồng của nó đã có sẵn ở bên trong chính nó, nhưng vì tối tăm, ngu muội, đui mù, nên đã bao lâu rồi, nó không hay, không biết!
Đấy mới thật sự là “nửa phần khác của nó”. Con người phải biết rằng nó được cấu tạo bởi phần âm và phần dương, phần dương của nó gọi là “Hồn” phần âm gọi là “Vía” là cô vợ lý tưởng nhứt và chỉ có cô vợ này mới có thể cùng nó đạt tới sự hòa điệu tuyệt diệu mà không có một đối tượng nào khác bên ngoài có thể mang đến cho nó. Đấy là cô vợ thật sự mà nó phải chịu chia ly trên đoạn đường đi xuống của nó. Đấy là hiện tượng Nhất Nguyên tiến sang Nhị Nguyên! Để rồi trải bao tháng ngày biền biệt hôn trầm trong mê muội, nó đã thật sự quên mất bóng người xưa...
Cho nên, khi nó đã thật sự mỏi mòn, quá thất vọng chán chê, không tìm thấy hạnh phúc với những gì chung quanh bên ngoài nó, con người mới chịu bắt đầu trở vào trong, để tìm về cái thế giới của chính nó. Và khi tìm vào cái thế giới này, ấy là nó đã tình cờ dấn thân lần bước trên lối cũ để tìm gặp lại bóng hình xưa! Đấy là hiện tượng Nhị Nguyên tìm về Nhứt Nguyên!
Này con ơi, khi đã bắt đầu cuộc dấn thân đó, con hãy như ông chồng si tình chung thủy, ngày đêm băng ngàn vượt suối, mấy đèo cũng qua, mấy sông cũng lội, để tìm về hội ngộ người vợ thân yêu mà mình đã trót lãng quên như chưa hề gặp mặt! Sự chịu khó cố gắng “Công Phu, Công Quả, Công Trình” để vượt mọi khó khăn thử thách, trên đường tìm về của con, sẽ được đền bù xứng đáng khi gặp lại cố nhân!
Cảnh đẹp đẽ và hạnh phúc của vía hồn tương hội sẽ đáp lại quá dư mọi nỗi nhọc nhằn mà con đã trải qua. Bằng con mắt huệ nhãn, con sẽ thấy cô vợ của con diễm kiều và lý tưởng ra sao! Cha cho rõ cảnh tương hội này không khác gì cảnh phối hợp dục giữa vợ chồng thế gian, nhưng được thật sự đầm ấm, đầy yêu thương, thơ mộng, hạnh phúc và hưởng lạc thú, hơn cái hưởng của vợ chồng thế gian muôn ngàn lần.
Cảnh tượng đẹp đẽ và kỳ ảo đó, các con có thể chứng nghiệm cảm giác một cách rõ ràng hiện thực và hết sức sống động để chúng con cảm thấy rằng những gì mà loài người đang thiết tha bám víu ở trần gian và tưởng là hạnh phúc, thật chẳng khác gì bọt nước bèo mây, và chẳng đáng chút gì so với cái con đang hưởng được!
Vả chăng, dục giữa vía hồn, hay phần âm và phần dương trong bản thể của con, không những chỉ giúp con phần lạc thú, mà còn là việc tối cần để con được tiến hóa về chỗ sáng suốt giải thoát. Đấy là một kiểu dục mà Cha cổ võ hô hào cho các con tìm hưởng. Kiểu dục này giúp con khỏe mạnh, sáng suốt, an lạc. Càng dục càng khỏe, càng mạnh càng sáng, càng tiến hóa nhanh! Sáng suốt an lạc khoẻ mạnh cả xác thể lẫn linh hồn.
Sớm muộn gì, con người có lúc cũng phải thức giấc sau khi đã mỏi mệt chán chê những gì bên ngoài nó, để dấn thân tìm tới cuộc hội ngộ đẹp đẽ này, vì nó phải lo phản bổn quy nguyên, âm dương hiệp nhứt để thấy lại nó thật sự! Cho nên, người thế gian đều ngộ nhận cho rằng, Niết Bàn chỉ là trạng thái hư vô vắng lặng, Ông Phật phải diệt mọi điều ham muốn, diệt hết bản chất dục là lạc thú quý báu của con người, để được cái trạng thái thanh tịnh như như! Trạng thái này có gì là vui? Niết Bàn hư vô có gì hấp dẫn để phải từ bỏ những lạc thú thế gian, lạc thú tình yêu, lạc thú vợ chồng?
Sự thực Cha cho biết, Phật không bao giờ mất bản chất dục. Phật chỉ từ bỏ dục dở, để tìm đến kiểu dục hay hơn, để Phật hưởng hơn. Nhờ Phật biết cách dục cao hơn, nên Phật nếm lạc thú hơn chúng con muôn ngàn lần. Chính trạng thái thanh tịnh như như an lạc khiến Phật sung sướng, vui vui, hạnh phúc, sáng suốt, lâng lâng, kỳ ảo là do việc giao hợp âm dương trong Phật đã đạt tới sự hòa điệu đúng mức và Phật được hưởng lạc thú của sự hòa điệu đó một cách miên viễn, nhờ âm dương trong Phật đã thật sự hiệp nhất không còn chia ly nhau nữa.
Con người vì vô minh nên cứ bám víu, ham muốn những cái nhỏ hẹp tối tăm để chỉ được hưởng những lạc thú thật bé mọn, hưởng chẳng bao nhiêu và chẳng bao lâu! Khốn thay, cái hưởng ấy lại móc nối bao nhiêu là thứ khổ! Hưởng thú vợ chồng thì thê thằng tử phược, gánh vác gia đình, con, vợ, gánh vác nợ áo cơm: Hưởng thú địa vị công danh thì công danh nó hành địa vị nó khảo. Hưởng thú bạc tiền thì phải cực khổ, quay cuồng lo vun bồi, lo bảo vệ đồng tiền, có được tới tỉ phú, có bạc tiền chất đống, rồi cũng bị cái lợi hành hạ, suốt đời phải lo âu, khổ công tính toán điều động sao cho gia tài bạc tỉ của mình còn tồn tại mãi thôi!
Cho nên, ham hưởng dục nặng trược thì bị trì kéo xuống cái nặng bởi nợ nần thế gian phải gánh vác, ham hưởng dục thanh nhẹ thì được kéo đi lên sáng suốt, an lạc, thanh nhẹ, lâng lâng... Vì vậy, Cha kêu gọi cổ võ tập thể loài người nên ham muốn mà biết ham muốn hơn, dục mà biết dục hơn nếu muốn được hưởng thật sự! Hãy dấn thân đi tìm hưởng cái lạc thú dục đầy kỳ ảo của Tiên Phật. Cảnh dục do điển âm dương giao hòa, vía hồn tương hội, như vợ chồng thế gian không phải là điều tưởng tượng bịa đặt mà là một hiện thực sống động, và bất cứ con nào cũng có thể chứng nghiệm được, nếu nó quyết tâm chịu hành pháp công phu luyện đạo.
Thật tình, từ trước tới nay, các thiền sư chân tu chứng đắc được trạng thái “âm dương tương hội”, đã không tiện thố lộ cho trần gian biết những thi vị kỳ ảo đã chứng nghiệm được với cảnh hạnh phúc vợ chồng trong bản thể và các vị ôm theo lên Niết Bàn bao bí mật kỳ thú sau khi tịch diệt! Thế nên, người trần ngu muội cứ tưởng biết dục và hưởng dục hơn ông Phật, không ngờ ông Phật lại biết dục và hưởng lạc thú dục hơn con người ngàn lần!
Như Lương Sĩ Hằng chẳng hạn, các con hãy gặp nó, hỏi thử xem những gì nó chứng nghiệm về những điều Cha nói, để nghe thêm cái dục của Tiên Phật một chút chơi cho biết!
Riêng trong phái Vô Vi, hiện tại, cũng có nhiều con được khai khiếu mở huệ ít nhiều. Những con này có dịp nếm những chứng nghiệm rõ ràng về cái bản thể con người được nhìn thấy thực sự như cái Tiểu Thiên Địa, có đứa được chứng nghiệm, đi chơi bằng hồn trong “Tề Luân Hư Cảnh” tức đi chơi trong bản thể của nó, được thấy phần âm hay cái vía thường được gọi là “Cô Tiên” của nó, cũng có đứa xuất hồn ra được khỏi Tiểu Thiên Địa để ngao du đó đây trong Đại Thiên Địa v.v...
Việc này các con có thể tìm liên lạc với chúng nó để nghiên cứu học hỏi thêm. Tuy nhiên, muốn thỏa mãn thực sự tính hiếu kỳ thì chỉ có cách là con dấn thân để thực sự chứng nghiệm. Chỉ tìm nghe cho biết thì cũng không hữu ích là bao nhiêu và chẳng thể thỏa mãn óc hiếu kỳ của con đâu! Hôm nay, Cha có dịp nói chuyện với chúng con về dục. Cha bàn đến nó một cách thẳng thắn cởi mở với chúng con, để phá mê chúng con, giúp khai thông vấn đề hơn và kéo điển chúng con lên chỗ sáng suốt! Cha tiếc chỉ nói điều này một cách tổng quát và không thể dùng ngôn từ để bàn nó một cách tỉ mỉ sâu xa mọi khía cạnh tế nhị của vấn đề vĩ đại này.
Tuy nhiên, ý Cha cũng muốn hạn chế như vậy, và phần còn lại Cha dành cho các con việc dấn thân để nếm, để chứng nghiệm thực sự, và để thực sự biết nó, chứ rồi nghe qua cho biết, thì không thể thực biết đâu con! Rốt rồi, khi con hiểu, con sẽ thấy dục chẳng có gì là xấu xa. Tất cả những gì được xem là tội lỗi, là thói hư tật xấu của con người, những gì làm con người luôn luôn băn khoăn thao thức, khắc khoải ưu tư... những gì mà các hệ thống triết lý, học thuyết xưa nay luôn tranh nhau nghiên cứu và ồn ào bàn cãi như tham, sân, si, dục v.v... đều tự nó không xấu!
Nó vốn dĩ không xấu, không đẹp, chỉ vì nó có những màu sắc dị biệt, những khía cạnh khác nhau, từ nặng đến nhẹ, từ trược đến thanh đấy thôi, và con người phải học hết những khía cạnh, những màu sắc đó mới thật biết bản chất của nó!
Thật sự tội là gì? Tội không phải là tham, sân, si, dục... Tội là cái gì gây trở ngại cho sự tiến hóa của con đó thôi! Con phải biết, tất cả chỉ vì mục tiêu tiến hóa, vì sự vận hành của định luật tiến hóa và điều gì gây trở ngại cho sự vận hành đó sẽ được xem là tội.
Khi con dục, ngay cả dục theo thú tính, như con dâm vô độ chẳng hạn, cái này chỉ thể hiện dục tính của con ở khía cạnh trược, cái dâm trược đó tự nó không xấu, không là tội, nhưng sở dĩ nó được xem là xấu, là tội vì kiểu dâm trược này gây hậu quả làm trì trệ sự tiến bộ của con, làm suy nhược xác thể, yếu đuối tinh thần, chưa kể những ảnh hưởng tác loạn di hại đã gây cho cá nhơn khác vì cái dâm trược đó. Do vậy, nó trì kéo con xuống chỗ trược hơn và bị luật nhân quả tác động khảo đảo, khiến con bị trở ngại trên bước tiến lên của con, vì vậy nên được xem là tội đó thôi!
Cho nên, khi hiểu ra, con người sẽ thấy rằng, nó thực sự là điển quang, được cấu tạo bằng điển âm và điển dương, cái mà nó nhìn thấy được và ngộ nhận là “Nó”, chỉ là cái lớp vỏ vật chất gồm xương, máu, thịt, bọc ở ngoài cùng đó thôi! Và rồi phần Âm và Dương trong con người luôn ở trạng thái phân ly khi nó còn ngu muội!
Vì u tối nên hai phần này không biết nhìn nhau, không đến được với nhau. Khi hai phần này chưa tương hội, còn xa nhau, con người sẽ thấy đau khổ thiếu thốn và không bao giờ thỏa mãn, nó sẽ mãi đi tìm mọi đối tượng bên ngoài nó, đi tìm mọi lạc thú ở khắp nẻo đường trần, để khỏa lấp vào cái cảm giác bơ vơ thiếu thốn lạc lõng phi lý ấy, nhưng không bao giờ nó nghe thỏa mãn và hạnh phúc thật sự!
Chỉ khi nào hai phần âm và dương trong con người tìm đến hội ngộ được với nhau, rồi đi đến chỗ hòa điệu hợp nhất, con người mới nghe thỏa mãn, thanh tịnh, hạnh phúc, lâng lâng... Khi hiểu rồi thì dục vừa là khởi điểm vừa là chung cùng, vừa là nguyên nhân phân ly vừa là hậu quả tương hội, vì dục mà tán vạn thù, nhờ dục mà quy nhứt bổn... Cho nên, dục là bản chất không thể không có của con người, của Thượng Đế, của chơn lý vậy!
Tóm lại, vấn đề không phải là diệt mất bản chất dục mà phải thăng hoa cái dục, học biết dục ở mọi khía cạnh đẹp hơn, lớn hơn, phát triển tính dục luôn luôn, để hợp theo quy luật thiên nhiên, đi theo sự vận chuyển không ngừng của vòng tiến hóa, cho đến khi nó thành vô cùng tận, đấy là về đến ngôi Thượng Đế. Ở ngôi này, con sẽ dục đủ kiểu từ trược tới thanh, từ nặng tới nhẹ, dục trong từng nguyên tử, dục theo kim thạch, theo thảo mộc, dục theo thú, dục theo người, dục theo Thánh, Tiên, Phật, v.v...
Thượng Đế dục không ngừng, dục đủ kiểu, nên hưởng đủ thứ lạc thú. Những kiểu dục khác nhau, những trạng thái rung động lạc thú khác nhau này diễn ra cùng một lúc trong Thượng Đế để trở thành một sự hòa điệu kỳ ảo của mọi trạng thái, một cảm giác hạnh phúc tuyệt diệu vô biên, một thứ lạc thú mênh mông vô cùng tận... Dục lúc ấy là chơn lý vô cùng vô biên, là sự sống vĩnh cửu của càn khôn, là tình yêu, là minh triết, là ý chí, là điều tốt lành, là cái đẹp đời đời của Đấng Toàn Năng, Toàn Giác, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, Toàn Chơn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét