Trang

Cha giảng 39

39. VẤN: Thưa Cha, có một dạo có một người phạm thượng với Cha, Tam Giáo Tòa giáng điển về đàn cơ bắt tội cảnh cáo. Xin Cha cho chúng con biết Tam Giáo Tòa là gì? 

ĐÁP: Tam Giáo Tòa là một cơ quan hành luật trông coi việc tội phước của nhân loại. Cơ quan này dưới sự chưởng quản của ba vị: Thông Thiên Giáo Chủ, Ngươn Thỉ Thiên Tôn và Thái Thượng Đạo Tổ. Sự thật ba vị này cũng là Cha phân thân ra làm việc đó thôi.  À, chúng con nghe việc phạm thượng Cha, bị Tam Giáo Tòa bắt tội và cảnh cáo. Tại sao có việc bắt tội này con? 

Khi một linh hồn phạm thượng lộng ngôn với Thượng Đế, thóa mạ Thượng Đế. Việc thóa mạ này chẳng thiệt hại gì đến Thượng Đế hay “Đấng Chơn Lý”. Vì, nó có phạm thượng triệu lần như vậy thì chơn lý vẫn là chơn lý, lúc nào cũng làu làu tỏa sáng.

Không có gì hủy diệt được chơn lý!
Không có gì làm sứt mẻ được chơn lý!

Nhưng sở dĩ chấp sự lộng ngôn của nó, trách nó, bắt tội nó, chỉ vì sự phạm thượng này xuất phát từ vô minh, từ lòng kiêu ngạo ngu muội của nó. Việc đó sẽ gây trở ngại sự phát triển của chính nó, làm trì trệ sự tiến hóa của linh hồn, làm chậm trễ ngày về của nó. Đấy con, chính việc đó mới là điều quan trọng. 
Chỉ có sự trở về nguồn cội, sự tiến hóa không ngừng của linh tử mới là điều đáng kể với Thượng Đế. Cho nên khi con lộng ngôn xúc phạm Cha, con làm Cha xót xa đau khổ!

Cha đau khổ không phải vì uy danh sứt mẻ, vì chơn lý lúc nào cũng là chơn lý, nhưng cha khổ vì con vô minh, con ngã mạn trong ngu muội, nên con không tiến hóa được. Trình độ của con kẹt lại đó và bị thoái bộ theo dòng tiến hóa. 

Cho nên, khi con xúc phạm Cha, Cha bắt tội con qua Tam Giáo Tòa. Cha bắt tội nhưng vì quyền lợi của linh hồn đứa phạm tội, vì nhu cầu hiểu biết và tiến hóa không ngừng của nó! Bởi vậy, sự thất lễ phạm thượng của con vốn dĩ không là tội, chính sự thất lễ phạm thượng trong vô minh, gây trở ngại việc tiến bộ của con mới là tội. Và rồi, luật báo ứng sẽ tác động lên lòng tự tôn ngu muội của con để sửa chữa, để thanh lọc, dần dần giúp con mở trí tiến hóa. 

Đến khi con đạt được sáng suốt, hồn con được giải thoát khỏi sự ngu muội, con cứ việc chưởi Cha, tha hồ thóa mạ Cha.

Đạt Ma Tổ Sư nó chửi: “Ông Trời là đống phân”. Đấy quả là một sự lộng ngôn!

Nhưng ở đây lộng ngôn mà hiểu biết, nên không phải lộng ngôn. Nó lộng ngôn trong minh triết. Lời thóa mạ của nó phát xuất từ sự hiểu biết cái vĩ đại vô cùng tận của Ông Trời, cái gì cũng là Ông Trời, đống phân cũng là Ông Trời, không có cái gì là không Ông Trời, Ông Trời gồm thâu hết mọi thứ!
Cho nên, sự phạm thượng trong minh triết của Đạt Ma chính là lòng tôn kính tột bực đối với Ông Trời đó!  Bởi vậy, thóa mạ Cha trong vô minh ấy là lộng ngôn, ngã mạn, phạm thượng. Thóa mạ Cha trong hiểu biết, ấy là minh triết, là tôn kính Cha, là ca ngợi Cha đó vậy! 

Này con, Cha nói thêm rằng, thực ra tính tự tôn kiêu ngạo chính là bản chất của Thượng Đế, và là bản chất của con đó. Tuy nhiên, nếu con cứ mãi ngã mạn trược, kiêu ngạo kiểu trược, con sẽ chìm đắm trong ngu muội, giậm chân ở trình độ trọng trược u tối mà không tiến được. Cho nên, nếu muốn khỏi trầm luân chậm trễ ở trình độ đó, để tiến sang trình độ cao hơn, con phải học ngã mạn lối khác hơn. Con đã học kiêu ngạo theo lối trược, giờ đây, con nên học cách kiêu ngạo theo lối thanh để tiến lên chỗ sáng, chỗ nhẹ.

Kiêu ngạo thanh là sao?
Khi con khiêm tốn đó con!
Con phải hiểu khi con khiêm tốn là con đang tự tôn một cách sáng suốt đó!

Thật vậy, đứa kiêu ngạo không thích phục ai, luôn luôn muốn cao hơn người, nhưng vì nó kiêu ngạo kiểu nặng, nên nó bị trì xuống thấp mà không được lên cao như nó muốn. Kiêu ngạo lối này chỉ khiến con xuống thấp, bị chê bai giận ghét xa lánh. 

Còn đứa khiêm tốn, ý không muốn hơn ai, luôn luôn tìm chỗ khuyết của mình để cầu tiến, hòa ái, học hỏi nơi tất cả, thấy mọi người đều là Minh Sư của mình, nhìn được trong chỗ dở, chỗ thấp kém, cái hay cái cao để mình học hỏi tiến bộ. Đứa này sẽ vọt lên cao thật nhanh, dù nó không hề muốn làm cao.

Có phải chăng nhờ nó chịu khiêm tốn học hỏi nên được phong phú, mau tiến bộ, mau sáng suốt, hiểu biết nhiều?

Hạnh khiêm tốn hòa ái với tất cả sẽ là hấp lực thu hút sự quý mến và lòng tôn trọng của mọi người với đứa đó. Hành động mà được quý mến tôn trọng, được hơn người và được tiến bộ lên cao, chính là tính kiêu ngạo đang phát triển ở hình thức cao, tức là kiêu ngạo thanh vậy!

Nhờ thanh nhẹ mới rút lên chỗ cao, chỗ sáng. Ngã mạn trược, chỉ là tính kiêu ngạo ở trạng thái vụng về thô thiển, ngã mạn thanh hay tính khiêm tốn là tính kiêu ngạo ở trạng thái cao nhã, tinh vi tế nhị. Lối tự tôn bằng cách khiêm tốn này sẽ giúp con tiến hóa lên chỗ sáng suốt. Dĩ nhiên, đây phải là đức khiêm tốn thật, không phải làm màu khiêm tốn để được ca ngợi. Khi tâm con còn vọng động chút gì, muốn làm cao, muốn được khen, tức còn vướng mắc cách ngã mạn nặng trược, ắt con sẽ bị trì xuống nặng mà chẳng tiến cao được. 

Thể hiện hòa đồng với tất cả, luôn luôn học hỏi tiến bộ nhưng không chút vọng tưởng mong được cao, được sáng, được quý, được trọng, tâm ý thanh tịnh không không. Ấy mới thiệt là biết kiêu ngạo thanh, là hạnh kiêu ngạo của Phật vậy! 

Cho nên, kiêu ngạo là tính của Thượng Đế nên bất khả diệt!
Khi con học khiêm tốn, ấy không phải là diệt kiêu ngạo, mà là thăng hoa tính kiêu ngạo của con đó thôi. Cuộc hành trình con xuống thế đến ngày về là để học tính kiêu ngạo, từ thấp đến cao, từ nặng đến nhẹ, từ trược đến thanh, cho đến khi con thật sự biết kiêu ngạo. 

Nói đến đây, Cha nhớ lại, có đứa cho rằng cung cách giảng thuyết của Cha cũng như lối xưng hô thằng này đứa kia, như gọi thầy các con là thằng Tám, hay gọi những vị lớn như Phật, Chúa, Khổng Tử v.v... bằng thằng Chúa, thằng Phật, thằng Khổng v.v... như vậy Cha có vẻ tự tôn, kiêu ngạo!

Nhưng con ơi, con nghe Cha hỏi
đây: Có đạo lý nào lên án Cha gọi con bằng “Thằng” là tự tôn kiêu ngạo không con?
Hay chỉ có những đứa con nó nghe Cha nó kêu nó bằng “Thằng” mà thấy khó chịu, những đứa ấy mới tự tôn kiêu ngạo! 

Nhưng nếu con nào nghe Cha xưng hô thằng này đứa nọ, mà lên án Cha là tự tôn kiêu ngạo thì Cha sẽ cho nó biết rằng, con nói Cha kiêu ngạo chưa đủ rõ, phải nói rằng Cha đại kiêu ngạo và kiêu ngạo vô cùng tận mới đúng hơn! Cha là thằng kiêu ngạo nhứt càn khôn!

Cha cao nhứt và cũng thấp nhứt, cao cả nhứt mà cũng hèn mọn nhứt, cả sự hèn mọn Cha cũng nhứt không muốn thua ai!

Cho nên, Cha kiêu ngạo cả trong sự hèn mọn nữa con!

Và nếu khi nào Cha không còn kiêu ngạo nữa, Cha để Cha thua một cái gì, nhường bước cho một cái gì, còn để cái gì cao hơn Cha, thì đấy là sự sụp đổ của chơn lý tối thượng vậy!

Thế nên, chơn lý vốn dĩ đại kiêu ngạo, đấy là bản chất bất khả diệt của nó. 

Tuy nhiên, Cha cho con rõ, ở ngôi Thượng Đế Cha có quyền khinh thường hết mọi thứ trong càn khôn, Cha có quyền coi mọi thứ thấp kém hơn Cha hết, không những chỉ vì Cha là chơn lý tối thượng, không những chỉ vì Cha là Đấng Sáng Tạo ra nó, mà cả vì lý do, khi Cha nghĩ khinh nó, khi Cha thấy nó thấp kém hơn Cha, Cha nhìn được chỗ nó là Cha, Cha là nó, nó với Cha là một, đó thôi.

Cho nên, Cha khinh mà không khinh, làm cao mà thấp, kiêu ngạo mà không kiêu ngạo đó con! Nên biết rằng: Khi con làm được cao cả nhất và làm được hèn mọn nhất, thấy được cả hai trạng thái đó cùng một lúc, ấy là con đã thật sự biết kiêu ngạo vậy! 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét