Trang

Cha giảng 36

36. VẤN: Thưa Cha gần đây cảnh đời quá loạn động. Nhiều người tu thấy hạnh tu cũng khá, nhưng đùng một cái trở nên bê bối, làm nhiều điều sái quấy, hoặc ăn nói lăng nhăng như một người chưa hề biết tu. Chúng con thật không ngờ và hiểu nổi tại sao? 

ĐÁP: Này con ơi, đây là một tai nạn xót xa của người tu mà tất cả các con đều có thể vấp ngã trên cuộc hành trình đằng đẵng về quê xưa chốn cũ! Chuyện vấp ngã ấy cũng dễ hiểu thôi! Khi trược khí dày đặc ngập tràn khắp nẻo trần gian, tất cả các con đều phải ít nhiều bị ô nhiễm và phải chịu ảnh hưởng khảo đảo bởi việc trả quả cộng nghiệp. Người tu trong màn này phải biết đề cao cảnh giác, phòng bị nghiêm nhặt, kiểm soát mình luôn luôn chớ để lơi tâm. Vì con nào cũng phải chịu trược tấn công ít nhiều, tùy theo nghiệp lực cá nhân hay gia đình nó, và chắc chắn không con nào khỏi. 

Cho nên, tất cả các con đều phải ở trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị nghiêm túc, để đủ bình tĩnh sáng suốt đối phó với nghịch cảnh đưa đến. Cũng vì vậy, một khi giải đãi không phòng bị chu đáo, không bế chặt ngũ quan (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân) để lo quay vào trong củng cố thực
lực, chẳng khác nào cảnh địch quân đang vây quanh thành, nếu thành không bế chặt cửa, không lo củng cố lực lượng, bê trễ việc canh phòng kiểm soát, bày thế sơ hở cho kẻ địch, thì chắc chắn, giặc sẽ tràn vào tấn công, nếu không đủ thực lực cầm cự thì phải yếu thế thất thủ đó thôi!

Cảnh thất thủ đó chính là sự vấp ngã của người tu trong cơn thử thách khảo đảo! Con ơi, đây là một thực trạng đau xót, nhưng rất bình thường mà mọi linh hồn đều phải có dịp chứng nghiệm qua, trên cuộc hành hương trở về của nó! Con đường đi lên thì phải vậy, phải phấn đấu luôn luôn trong thử thách đắng cay để học hỏi hiểu biết và rồi có khi vấp ngã đó thôi!

Này con! Hãy nhìn hiện tượng đó với đôi mắt thật bình thường, đầy cảm thông và hiểu biết. Chưa hiểu biết thì ngạc nhiên tức giận, lên án, khinh ghét, lánh xa kẻ đang vấp ngã. Hiểu rồi thì cảm thông, yêu thương, tế nhị, hỗ trợ kẻ ấy vươn lên.  Ấy là thực thi tình người giữa đồng loại, là thực thi Bi, Trí, Dũng của người tu...

Bao giờ các con chưa thực hành được điều này, còn nghe lòng mình tỵ hiềm, khinh ghét, đố kỵ, là con chưa đủ tiêu chuẩn vào Thượng Ngươn Thánh Đức nghe con! Con nên hiểu rằng: tiến trình đi từ chỗ nội tâm dấy loạn đến hiện tượng bị vấp ngã của một cá nhân thực là phức tạp,
nhiều u ẩn tế nhị mà chỉ có Thượng Đế mới có thể phân tích, đánh giá đúng mức để phê phán và kết án kẻ sái quấy đó thôi!

Cho nên chỉ có Cha mới ở vào vị thế đứng đắn nhứt để lên án, cần thiết lên án và có quyền lên án một linh hồn. Vì khi Cha lên án nó, Cha sẽ cùng lãnh án với nó, khi Cha chỉ trích sự sái quấy của nó, Cha biết yêu thương và hiểu được bản chất sái quấy đó, khi Cha đay nghiến nó, Cha sẽ cùng đau đớn với nó, khi Cha dùng luật răn phạt nó, Cha sẽ cùng nó gánh chịu quả báo!

Và Cha chỉ hành động vì mục tiêu tiến hóa của nó mà thôi! Chỉ khi nào con làm được như vậy, thì con tha hồ có quyền chỉ trích, tức giận, kết án, khinh ghét, tỵ hiềm, đố kỵ, oán giận, tàn nhẫn v.v... với một kẻ sái quấy vấp ngã. Nếu chưa làm được, thì đấy chỉ là những tư tưởng, những hành động phát xuất từ vô minh chỉ làm con kẹt trong hẹp hòi ngu muội, gieo nghiệp không lành để phải trả quả, làm trở ngại đà tiến hóa linh hồn con lên đến cõi sáng suốt. 

Tóm lại, màn này hỗn loạn đảo điên. Tất cả các con, một mặt phải rán giữ tâm ý không cho buông lung theo ngoại cảnh, phòng bị và kiểm soát mình luôn luôn, một mặt lo thanh lọc bản thể bằng công phu để ổn cố điển lực. Nên tịnh bớt khẩu, dành việc niệm Phật để giữ điển, chớ
nói chuyện đời nhiều! Màn này, con nào nói nhiều sẽ có khuynh hướng phát ngôn bừa bãi, sanh chuyện rắc rối và đi tới chỗ loạn tâm. Nên nhớ nói nhiều hao khí điển, sẽ bị nhiễm nhiều trược, gây loạn động tâm thần, còn có thể vướng mang khẩu nghiệp nếu nói lời không lành và không hữu ích, rồi có thể gặp nhiều rắc rối bởi sự thiếu cẩn ngôn.

Vậy các con rán giữ mình để vượt qua cơn khảo đảo.  À, ở đây Cha cũng thấy việc này. Thường khi, các con cho rằng người tu, mà nhứt là đại nguyên căn hay gặp cảnh thử thách vấp ngã, rồi các con sợ phải làm đại nguyên căn! Sự thật không phải vậy con! Đâu phải đại căn mới gặp thử thách con! Thử thách là do quả nghiệp của con đó! Con tiểu căn mà nhiều nghiệp, con cũng gặp thử thách liên miên như thường! Nhưng đại căn còn linh tánh hơn, lỡ vấp ngã có cơ may vươn lên được, còn tiểu căn thì linh tánh lu mờ, khi ngã rồi khó mà vươn lên nổi!

Cho nên, được đại căn là phước lớn chớ con! Có điều ở đây con nên biết, mọi nghịch cảnh thử thách khó khăn ghê gớm đến đâu cũng không nguy hiểm bằng nỗi yếu hèn, sự s ợ hãi của linh hồn con. Chính nó là cái bóng ma lởn vởn, là thủ phạm đích thực gieo khiếp sợ, gây trở ngại cho con, trên cuộc trui rèn ý chí và học hỏi tiến hóa của con. Phút giây nào mà con xua đuổi được bóng ma đó, khắc phục được thủ phạm đó,
thì tức khắc, mọi thử thách dầu gian truân đến đâu cũng phải tan biến như khói sương trước vừng đông ló dạng, vừng đông minh triết đó con!

Vậy, vấn đề ở đây không phải là sợ hãi, trốn chạy thử thách, hay mong cầu đừng gặp thử thách. Không gặp thử thách là chuyện không hề xảy ra cho một linh hồn phải xuống thế học hỏi. Nhất là lúc mà nó còn vướng vòng nghiệp quả. Vậy chỉ còn cách là phải đối diện với thử thách và chế ngự nó để vươn lên. Đấy là bản năng tự vệ cần thiết của linh hồn trên đường tiến hóa của nó. Nên biết rằng, khi con gục ngã trước một thử thách ấy không phải bị gục ngã vì sự thử thách mà vì sự yếu đuối của linh hồn con đó! Là người tu, nếu con muốn tìm lên chỗ sáng suốt minh triết, muốn được tiến nhanh, mau sáng, mau mở huệ, con hãy cố vứt bỏ những tư tưởng sợ gặp thử thách, sợ khổ, sợ gian truân nguy hiểm v.v... 

Những sợ hãi này sẽ làm chơn thần lu mờ, trí tuệ không sao phát triển được và con không thể tiến hóa lên cao. Một linh hồn thiếu dũng mãnh sẽ bị là đà trong vòng luân hồi chuyển kiếp mãi cho đến khi đủ ý chí để vọt lên cõi sáng.  Cho nên, con nào muốn giải thoát thì dứt khoát phải học Dũng mà thôi! Nên nhớ rằng: Một linh hồn yếu đuối, sợ hãi, chắc chắn không thể sáng được và rất dễ vấp ngã rớt rơi trong cơn khảo thí này!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét