ĐÁP: Này con ơi! Như Cha đã nói, Cha đã sử dụng tất cả phương tiện, từ trược tới thanh để giúp chúng con học hỏi tiến hóa. Bây giờ thử đặt vấn đề: cái gì giúp phần hồn chúng con thăng hoa đi lên? Có phải chăng là cái đẹp, sự thiện lành, sự sáng suốt? Cái gì trì kéo chúng con xuống? Có phải chăng sự xấu xa ác trược, sự ngu muội? Thì cái lực tốt lành sáng suốt tác động kéo chúng con đi lên cũng là Cha và cái lực ác trược ngu muội trì chúng con xuống cũng do Cha đó thôi!
Đây là những phương tiện hỗ trợ một cách hữu hiệu cho linh hồn chúng con học hỏi. Phải chăng nhờ hai cái lực kích động, phản động này nó đối kháng, chống báng lẫn nhau luôn mà linh hồn chúng con mới có điều kiện để học hỏi và tiến hóa?
Vì, linh hồn con, khi tách rời Đại Hồn Cha xuống thế, chỉ là thực hiện sứ mạng: “Đi học để tiến hóa”. Thế nên, trong chu trình tiến hóa của nó, nó phải học hết đủ bài, học cả ác lẫn thiện, học cả trược lẫn thanh, học cả cái xấu lẫn cái đẹp. Nhờ đó, mà nếm đủ kinh nghiệm để sau cùng trở về hợp nhứt với Thượng Đế, làm một Đấng Toàn Giác Toàn Năng, biết cả ác lẫn thiện, biết cả trược lẫn thanh, và rồi biết sử dụng cái ác, cái thiện, cái trược, cái thanh cho mục tiêu tiến hóa không ngừng của càn khôn vũ trụ, trong sự minh triết vô cùng của Đấng Toàn Năng Toàn Giác.
Trải qua bao kiếp luân hồi trong chu trình học hỏi tiến hóa của linh hồn, hai lực trược và thanh này, sẽ đối kháng lẫn nhau luôn luôn để hiến những cơ hội cho con người học hỏi. Sự đối kháng đó sẽ tạo điều kiện để trui rèn, nhồi nắn linh hồn, giúp phần hồn nếm, chứng nghiệm, để càng lúc càng phong phú, càng hiểu biết hơn.
Cho nên, khi một linh hồn còn khờ, còn yếu đuối, còn ngu muội, nó dễ bị hấp dẫn, ngã vào sự ngu muội ác trược để tưởng nghĩ và hành động điều ác trược. Đã hướng về sự ác trược,
muốn sự ác trược, tưởng và làm điều sái quấy ác trược, thì sự ác trược sẽ kéo đến chiếu cố nó, tác động dội ngược lại nó, và khảo đảo nó theo định luật vật lý. Đó là điều mà các tôn giáo gọi là “Nghiệp Quả”, gieo nhơn đắng gặp quả đắng là vậy. Và linh hồn làm những điều sái quấy phải chịu tác động của luật nhân quả để trả quả, bị nhồi quả, do vậy, phải gặp nhiều đắng cay, đau khổ, nghịch cảnh, khảo đảo, trầm luân...
Trong khi linh hồn phải trả nghiệp vì những sái quấy của nó chính là lúc mà nó được học hỏi. Vì những cay đắng đau khổ đều là những bài học quý báu để huấn luyện linh hồn. Có khi, trong lúc chịu quả báo, linh hồn đau khổ oằn oại, và rồi lại phạm thêm nhiều sái quấy tội lỗi khác. Thế là linh hồn vì sự ngu muội, đã kéo thêm những đau khổ mới đến khảo đảo nó, bắt nó tiếp tục trầm luân trên con đường ác đạo tối tăm, có khi cả bao nhiêu kiếp như vậy...
Nhưng rồi cái lực tốt lành trong thiên nhiên sẽ can thiệp để cứu giúp nó và kéo nó đi lên. Lực này sẽ tác động một cách âm thầm trải qua nhiều kiếp sống ngụp lặn trong ác trược đau khổ tối tăm của linh hồn, để cuối cùng ảnh hưởng được nó. Rồi một lúc nào, linh hồn bắt đầu nhận ra dần dần những sai lầm sái quấy của nó, để biết sợ làm dữ gặp dữ, sợ luật báo ứng nhân quả để rán tránh điều sái quấy và từ từ vươn lên hướng đến sự tốt lành. Cha tạm giảng câu hỏi trên một cách tổng quát như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét