ĐÁP: A Di Đà Phật hay Vô Lượng Quang Phật là tên của một vị Phật sáng suốt vô lượng tượng trưng cho sự sáng suốt của càn khôn hay phần trí tuệ của Thượng Đế. Trong chúng con cũng có A Di Đà Phật vậy.
Vì chúng con là những Tiểu Thượng Đế mà! A Di Đà Phật là thể tính sáng suốt trong chúng con mà chúng con đã để nó bị mốc meo, bị rêu phong phủ bám khi chúng con học trược đấy! Cho nên, khi chúng con chợt tỉnh giấc mê trầm đã vùi lấp bao lâu phần trí tuệ của mình, và muốn đi lên chỗ sáng suốt, các con hãy mật niệm danh hiệu này, quán tưởng nó luôn luôn, để đánh thức và phát triển dần dần sự sáng suốt trong chúng con.
Vì quán tưởng luôn luôn đến A Di Đà Phật tức là tưởng nhớ luôn luôn đến thể tính sáng suốt của con. Tưởng nhớ đến thể tính đó mãi thì tự nhiên nó sinh động lên, sẽ phát triển cho đến khi nó ngự trị trong con. Đó là một cách rất hay để con mau được sáng suốt. Cho nên, lúc con mật niệm trong tâm danh hiệu này một cách sốt sắng, không bị chi phối lo ra và nếu tâm con được vắng lặng thì khi ấy, sáu chữ này sẽ rung động trong con, phát ra luồng sóng điện chạy quanh sáu luân xa và phát quang tại mỗi luân xa đó.
Con nào đã mở chút huệ nhãn, khi niệm Lục Tự Di Đà sẽ chứng nghiệm được hiện tượng này. Nhờ đó, sáu luân xa trong bản thể sẽ được khai mở từ từ, phát triển dần dần, để giúp con đạt được lục thông. Tuy nhiên Cha thấy việc niệm Lục Tự Di Đà theo âm điệu Việt Nam có đôi khi trở ngại cho nhiều con người Âu Mỹ. Nếu những con này thấy có sự khó khăn trong cách niệm theo tiếng Việt Nam, nó có thể niệm theo Phạn Ngữ “NA MÔ A MI TA BA” (Amitaba: Amitabha: A Di Đà Phật) sáu chữ này là Phạn Ngữ có nghĩa là “Đầu cúi lạy Đức Vô Lượng Quang Phật” được phiên âm ra tiếng Việt Nam thành Nam Mô A Di Đà Phật.
Nếu các con niệm theo Phạn Ngữ, sáu âm thinh này còn tốt hơn sáu âm thinh Việt Nam nữa. Vì âm thinh của Phạn Ngữ phát ra gần giống với âm thinh chuyển động của càn khôn vũ trụ và âm ba của nó rung lên, gần ăn nhịp với âm ba chuyển động của càn khôn, giúp thêm sức mạnh cho luồng điển chuyển động tốt. Ở đây, Cha dùng chữ âm thinh có nghĩa là âm thinh điển, không thể nghe được bằng tai trần, chỉ nghe nó khi con mở được huệ nhĩ mà thôi. Các con nên nhớ, khi niệm bất cứ điều gì, phải niệm trong tâm, niệm bằng tư tưởng, đừng niệm trong miệng khiến hao khí điển.
Con nên ngậm miệng lại, co lưỡi răng kề răng bế kín khẩu. Động tác này sẽ giúp cho mạch Nhâm, mạch Đốc nơi đó được giao nhau và điển trong người con, lúc ấy sẽ được chuyển động liên tục, mà không bị thất thoát ra ngoài theo cửa khẩu do sự nối liền của hai mạch này. Nhờ vậy, mà điển lực trong con được sung mãn hơn. Cho nên trong ngày, nếu không có điều hữu ích hay cần thiết phải nói nên tịnh bớt khẩu, dành tâm trí niệm Phật, hoặc niệm Cha để tâm đỡ tán loạn, bế miệng lại càng nhiều càng tốt để đỡ mất điển.
Con nên nhớ, lo nghĩ nhiều thì thần tán, nói nhiều thì khí hao, dục nhiều thì tinh mất. Muốn đi vào thiên đạo, lên đến chỗ sáng suốt an lạc,
các con phải rán giữ tam bửu: Tinh, Khí, Thần, lo vun bồi nó luôn luôn, để khỏi bị suy điển lực, khiến tiêu mòn dần sự sáng suốt trong con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét